Thành phố sân bay Long Thành hơn 55.000ha sẽ có những gì?

Thành phố sân bay Long Thành sẽ được nghiên cứu trên phạm vi 55.000ha gồm toàn bộ địa giới huyện Long Thành và một phần huyện Cẩm Mỹ. Đây là thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế, khu phức đô thị dịch vụ đẳng cấp, trung tâm công nghiệp hiện đại.

Đồng Nai sẽ tổ chức thi ý tưởng quy hoạch thành phố sân bay Long Thành với diện tích lên đến 55.000ha

Ngày 12/12, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc để lắng nghe báo cáo về ý tưởng quy hoạch thành phố sân bay Long Thành.

Theo đó, thành phố sân bay Long Thành bao gồm định hướng quy hoạch thành phố sân bay cửa ngõ giao thương quốc tế; đô thị dịch vụ đẳng cấp khu vực; trung tâm công nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn Net Zero và nông nghiệp công nghệ cao bền vững.

Cụ thể, khu vực nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay Long Thành sẽ có quy mô khoảng 55 ngàn ha gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành và một phần huyện Cẩm Mỹ.

Thành phố sân bay Long Thành sẽ có các phân khu chức năng, gồm: Khu thương mại dịch vụ, tài chính, tổ chức sự kiện; khu vực phát triển logistics, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; khu đô thị (đô thị Long Thành mở rộng, Bình Sơn, Phước Thái); khu văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, nghĩ dưỡng và khu nghiên cứu và giáo dục đào tạo.

Về phát triển khu công nghiệp, ngoài 5 khu công nghiệp hiện hữu sẽ quy hoạch thêm 6 khu công nghiệp và định hướng phát triển 3 khu dịch vụ logistics.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đồng ý với đề xuất thi tuyển ý tưởng quy hoạch thành phố sân bay Long Thành. Sau khi thi tuyển ý tưởng, sẽ xác định danh mục các dự án đầu tư, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Đồng thời, xác định danh mục các dự án đầu tư công.

Hình hài nhà ga hành khách hình hoa sen của sân bay Long Thành (Ảnh: Tiền Phong)

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng Quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.

Theo kế hoạch, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2026.

Hiện nay, tiến độ xây dựng các hạng mục chính của sân bay Long Thành đang được nhà thầu đẩy nhanh thi công. Trong đó, gói thầu nhà ga hành khách sân bay được ví như là “trái tim” của dự án đã khởi công từ cuối tháng 8 và đến nay đã dần thành hình.

Cơ hội và thách thức từ Thành phố sân bay

Với quy mô và tầm ảnh hưởng của mình, sân bay quốc tế Long Thành sau khi thành hình sẽ có tác động rất lớn đến diện mạo của các đô thị xum quanh.

Đặc biệt, để kết nối với sân bay Long Thành, hiện nay hàng loạt hạ tầng giao thông có tính chất kết nối liên vùng đã và đang được đầu tư rất mạnh như các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Quốc lộ 51, Vành đai 3, 4…

Bên cạnh đó, sân bay Long Thành cũng nằm lân cận với hệ thống cảng biển lớn của cả nước Cái Mép – Thị Vải….

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai từng chia sẻ trên báo chí, mô hình “thành phố sân bay” hay “đô thị sân bay” là mô hình phát triển gắn liền với những cảng hàng không quốc tế vốn đã rất thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đô thị Long Thành được định hướng là trung tâm thương mại - tài chính chất lượng cao; trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế cấp vùng và quốc gia.

Tại một hội thảo về phát triển đô thị sân bay Long Thành diễn ra vào tháng 10/2023, Giáo sư Ha Hun Koo, Trường Logistics châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc), nhận xét sân bay ở Đồng Nai khá tương đồng với sân bay Incheon tại Hàn Quốc. Vì vậy, Long Thành cũng có thể phát triển theo mô hình thành phố sân bay như Incheon.

Theo Giáo sư Ha Hun Koo, để phát triển thành phố sân bay Long Thành, cần phải xây dựng kế hoạch chiến lược theo từng giai đoạn, thể hiện tầm nhìn và tính nhất quán trong quá trình thực hiện.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh điều quan trọng ngay từ khi bắt đầu triển khai là phải có quy hoạch tổng thể phát triển thành phố sân bay và bảo đảm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Khu đô thị Nhơn Trạch nằm "sát vách" sân bay Long Thành triển hai hàng chục năm nhưng nay vẫn hoang vắng

Trong khi đó, chia sẻ trên báo VOV, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tại Việt Nam, cho tới nay chưa hề có một quy hoạch đô thị sân bay bài bản. Lý do là phần lớn chưa hiểu đô thị sân bay là gì.

Theo ông Sơn, khi nói quy hoạch đô thị sân bay thì phải tư duy cùng lúc quy hoạch sân bay và quy hoạch khu đô thị xung quanh. Nguy cơ các tập đoàn, doanh nghiệp “giành đất” làm dự án địa ốc thì không thể xem là đô thị sân bay, sau này đền bù, giải tỏa rất khó.

Ông Sơn cho rằng, thành phố sân bay Long Thành cần gắn với sinh thái, gắn với sông Đồng Nai và các cảnh quan xanh lân cận…

Chuyên gia này cảnh báo, nếu không tính toán thấu đáo, cẩn thận thì nguy cơ người dân "thành phố sân bay Long Thành" sống chung với ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, bài học từ khu đô thị mới Nhơn Trạch được triển khai hàng chục năm nhưng đến nay vẫn rất hoang vắng, không người ở là điều cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án thành phố sân bay Long Thành.

Nguyễn Văn

Tin tức

Thứ tư, 13/12/2023

Một căn penthouse 5 phòng ngủ có diện tích gần 22.000 feet vuông (tương đương khoảng hơn 2.000m2) đã được bán với giá hơn 136 triệu USD (tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng), xác lập kỷ lục căn hộ áp mái đắt nhất ở Dubai dù chưa thành hình.

Thứ tư, 13/12/2023

Sáng nay, giá vàng thế giới biến động nhẹ, đồng USD giảm trước thềm cuộc họp Fed. Trong khi đó, giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm mạnh, mức cao nhất lên đến 400.000 đồng/lượng.