Đầu tư bất động sản tại Lâm Đồng cần lưu ý gì?

Lâm Đồng hiện đang nổi lên là thị trường bất động sản thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư riêng lẻ và cả những tập đoàn tên tuổi lớn.

Thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng đã sôi động hẳn lên kể từ khi xuất hiện thông tin về việc triển khai dự án cao tốc kết nối tỉnh Đồng Nai lên Lâm Đồng và sự xuất hiện của nhiều tập đoàn tên tuổi lớn đề xuất tài trợ lập nhiều quy hoạch.

Trải qua giai đoạn trầm lắng trong năm 2020, số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng đã tăng mạnh theo các quý trong năm 2021.

Cụ thể, trong hai quý 1 và 2/2021, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 24.531 giao dịch thông qua công chứng, chủ yếu là đất nền. Bước sang quý 3 và 4/2021, lượng giao dịch bất động sản tại tỉnh này giảm 38% xuống còn 15.101 giao dịch do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Song số lượng giao dịch đất nền vẫn giữ ở mức cao so với nhiều địa phương lân cận như Kon Tum, Gia Lai.

Tưởng chừng như cơn sốt đất nền tại Lâm Đồng đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm thì sang quý 1/2022 bỗng bật tăng trở lại. Trong quý 1/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 giao dịch thành công, rồi tăng vọt lên 19.669 giao dịch trong quý 2/2022.

Nhà đầu tư riêng lẻ khi có nhu cầu mua nhà đất tại Lâm Đồng thì cần phải xem xét, đánh giá kỹ những vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Qua đó nhằm đảm bảo vị trí khu đất muốn mua sẽ được cung cấp các dịch vụ thiết yếu, như cấp điện, thoát nước, cấp nước, thu gom rác thải,…

Nhấn mạnh đến vấn đề nêu trên là do khi số lượng giao dịch nhà đất liên tục tăng đã dẫn đến hiện tượng “hiến đất” làm đường để phân lô, tách thửa đất. Nhiều trường hợp lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản.

Việc làm này đã gây nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp phân lô tách thửa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chỉ đạo nhằm hạn chế tình trạng người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản.

Sau một thời gian tạm dừng thực hiện việc hiến đất làm đường, tách thửa đất, tỉnh Lâm Đồng vừa có động thái tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc tách thửa đất tại địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai quy định mới này không đơn giản.

Ngày 19/8/2022, UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, việc thực hiện các văn bản mới của UBND tỉnh về tách thửa đất, hợp thửa đất đã gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn.

Cụ thể là vướng mắc liên quan đến những hồ sơ đề nghị chuyển mục đích lớn, vượt hạn mức đất ở quy định cho nhu cầu để ở đối với hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó là những vướng mắc liên quan đến trường hợp tách thửa đất để thừa kế hoặc tặng cho mà mỗi người nhận tặng cho được nhận 01 thửa đất sau khi tách thửa.

Những người có nhu cầu đầu tư nhà đất tại Lâm Đồng cần lưu ý vấn đề quy hoạch để tránh mua phải những mảnh đất nằm trong quy hoạch đầu tư dự án, hay một mảnh đất mà có sự chồng chéo trong quy hoạch.

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn T&T,… đã đề đề xuất đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng.

Đa phần những khu vực mà các tập đoàn này đề xuất tài trợ lập quy hoạch đều nằm tại những khu vực ‘nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ’ có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển bất động sản.

Ngay sau khi những doanh nghiệp này đề xuất đầu tư các dự án, trên thị trường xuất hiện làn sóng mua bán nhà đất ăn theo đề xuất quy hoạch nêu trên. Những hình ảnh rao bán sản phẩm nhà đất ‘ăn theo’ đề xuất tài trợ quy hoạch của các “ông lớn” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Nhà đầu tư khi mua nhà đất tại những khu vực này cần thận trọng, bởi nhiều đề xuất của doanh nghiệp chưa được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương tài trợ lập quy hoạch, hoặc nhiều ranh giới lập quy hoạch chưa được xác định cụ thể.

Hay đối với những đề xuất đã được chấp thuận thì UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ tiếp nhận kinh phí tài trợ quy hoạch và không tiếp nhận tài trợ sản phẩm quy hoạch. Sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ bàn giao cho địa phương quản lý, tổ chức kêu gọi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc doanh nghiệp đề xuất tài trợ lập quy hoạch không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó sẽ là chủ đầu tư của các dự án bất động sản sau khi quy hoạch được phê duyệt mà phải được thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đơn cử như việc Tập đoàn FLC đề xuất dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim quy mô hơn 13.000 tỉ đồng. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tập đoàn này lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim.

Sau khi xem xét hồ sơ đề xuất từ tập đoàn này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã không chấp thuận hồ sơ chủ trương dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Lý do là hồ sơ của công ty không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chưa hết, ngày 10/8/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã phát đi Công văn số 6001/UBND-QH về việc tạm dừng tiếp nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong thời gian chờ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành Chương trình hành động và hướng dẫn triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh này cho đến khi có hướng dẫn cụ thể.

Cũng liên quan đến những vấn đề về quy hoạch, nhà đầu tư riêng lẻ khi mua bán nhà đất tại Lâm Đồng cũng cần biết rõ những bất cập liên quan đến tình trạng ‘một mảnh đất, hai quy hoạch’ đang xảy ra tại tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo gửi đến UBND tỉnh về việc rà soát, đề xuất xử lý các trường hợp bất cập, không hợp lý trong các quy hoạch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, nổi bật nhất là bất cập về tình trạng ‘một mảnh đất, hai quy hoạch’, cùng một vị trí đất nhưng theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở, còn theo quy hoạch xây dựng là đất công viên cây xanh, công cộng, hạ tầng.

Đơn cử tại TP. Đà Lạt, đoạn từ La Sơn Phu Tử đến nhà hàng Thắng Lợi, khu vực đoạn đường Đồng Tâm, hẻm sau trường Tây Sơn có quy hoạch sử dụng đất là đất ở.

Thế nhưng quy hoạch chung của thành phố là đất công viên cảnh quan; đường Trần Phú đoạn đối diện bưu điện tỉnh, đường Đống Đa đoạn bên trái quy hoạch đất ở và đất du lịch hỗn hợp; dọc đường Thánh Mẫu quy hoạch đất ở và đất nông nghiệp sạch đô thị.

Tại huyện Bảo Lâm, một số vị trí đất trên địa bàn các xã và thị trấn theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung xây dựng lại thuộc công viên cây xanh, đất dự trữ, công trình công cộng, hoặc theo quy hoạch nông thôn mới lại là khu nông nghiệp, trồng cây lâu năm.

Ngoài ra, tại huyện Đơn Dương, quy hoạch đô thị Finôm - Thạnh Mỹ đến năm 2035 không kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt như quy hoạch sử dụng đất huyện Đơn Dương đến năm 2020, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Ròn.

Ngày 08/7 vừa qua, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua đồ án Quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, tỷ lệ 1/2.000. Dự án này có diện tích khoảng 3.998ha, với phía bắc giáp đất rừng quốc gia Bidoup - Núi Bà; phía đông giáp xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; phía tây giáp xã Lát, huyện Lạc Dương và phía nam giáp phường 7, thành phố Đà Lạt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự kiến trong tháng 10/2022, tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư dự án. Đồng thời trong tháng 12/2022, UBND huyện Lạc Dương thực hiện các bước tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Tương tự, đối với dự án Khu du lịch Hồ Prenn quy mô khoảng l.000ha, Sở Xây dựng đã hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Dự kiến tháng 11/2022 sẽ trình HĐND tỉnh, và tháng 06/2023 UBND thành phố Đà Lạt sẽ thực hiện các bước tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đối với dự án Khu du lịch núi Sapung, xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho công ty này tài trợ lập quy hoạch tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, bao gồm cả khu vực núi Sapung.

Hiện nay, đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đang được rà soát nội dung, tiếp thu chỉnh sửa liên quan đến việc cập nhật tuyến cao tốc. Dự kiến trong quý 4/2022, UBND thành phố Bảo Lộc lập đề xuất dự án và hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng.

Khác với các dự án nêu trên, dự án Khu Đô thị Liên Khương – Prenn quy mô khoảng 2.969 ha hiện gặp phải khó khăn, vướng mắc do quy hoạch chung xây dựng đô thị huyện Đức Trọng chưa được phê duyệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND huyện Đức Trọng đang khẩn trương đề xuất việc lập quy hoạch đô thị Liên Nghĩa (mở rộng) làm cơ sở xác định phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Liên Khương – Prenn theo quy định.

Một dự án khác trọng điểm khác, Khu trung tâm Hòa Bình có 6 vị trí thu hút đầu tư gồm, trung tâm thương mại Hòa Bình 1; trung tâm thương mại Hòa Bình 2; khu thương mại gallery; khu thương mại gallery; dãy phố thương mại; khách sạn đồi Dinh.

Hiện Sở Xây dựng đang chuẩn bị các hồ sơ phương án quy hoạch để UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ, làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim quy mô 153 ha tại huyện Đức Trọng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận.

Dự án này từng được Công ty cổ phần tập đoàn FLC đề xuất nhưng không được chấp thuận. Lý do là hồ sơ của công ty này không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng theo quy định của Điều 33 Luật Đầu tư 2020.

Nội dung: Lê Phước Bình - Thiết kế: Xuân Triều

Tin tức

Thứ tư, 13/12/2023

Một căn penthouse 5 phòng ngủ có diện tích gần 22.000 feet vuông (tương đương khoảng hơn 2.000m2) đã được bán với giá hơn 136 triệu USD (tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng), xác lập kỷ lục căn hộ áp mái đắt nhất ở Dubai dù chưa thành hình.

Thứ tư, 13/12/2023

Sáng nay, giá vàng thế giới biến động nhẹ, đồng USD giảm trước thềm cuộc họp Fed. Trong khi đó, giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm mạnh, mức cao nhất lên đến 400.000 đồng/lượng.